Từ New York cho đến Thượng Hải, nhà mốt Fendi đã “chơi lớn” book toàn bộ các vị trí màn hình quảng cáo đẹp nhất tại các tòa nhà để thương hiệu được thực sự tỏa sáng.
Thắp sáng các thành phố lớn và sầm uất bậc nhất thế giới chính là mục tiêu cho chiến dịch quảng cáo vào dịp cuối năm của Fendi. Cụ thể ở đây chính là Quảng trường Thời Đại tại New York, Mỹ và thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Đây được xem là những “thánh địa”, nơi sở hữu những vị trí đặt billboard, màn hình led quảng cáo ngoài trời đắt giá nhất thế giới. Nhưng lần này, Fendi đã không để lại bất cứ một cơ hội nào cho các thương hiệu khác được cùng sánh ngang với mình.
Tại Quảng trường Thời Đại, thương hiệu Fendi book toàn bộ 45 màn hình led quảng cáo ở khu vực trung tâm. Cả khu vực quảng trường được thắp sáng bởi màu vàng đặc trưng với logo Fendi nổi bật hiển thị.
Còn ở Bến Thượng Hải, trên các tòa nhà cũng được khoác lên màu vàng biểu tượng của thương hiệu Fendi. Ánh sáng vàng bao phủ cả thành phố, gần như ở bất cứ vị trí nào, chỉ cần ngẩng mặt lên hay phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ đều nhìn thấy thương hiệu Fendi chói lóa!
Chiến dịch quảng cáo hoành tráng này được triển khai để kỷ niệm một năm được mô tả là “tuyệt vời” của Silvia Venturini Fendi, Giám đốc nghệ thuật bộ sưu tập nam giới của nhà mốt này.
>>>Một số hình ảnh về dự án quảng cáo của Fendi tại các thành phố khác:
Chiến dịch quảng cáo trên toàn cầu bằng màn hình led ngoài trời của Fendi lần này có thể được xem là một chiến dịch “đầy mùi tiền”. Riêng việc book toàn bộ các vị trí quảng cáo đắt giá ở các thành phố nổi tiếng trên thế giới cũng đủ để thấy độ “chịu chơi” của thương hiệu thời trang này.
Vậy nhưng chiến dịch quảng cáo này lại tạo ra một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia truyền thông.
Cụ thể, Will Poskett – Giám đốc chiến lược tại Droga5 đánh giá đây là một chiến dịch quảng cáo mang tính lãng phí của Fendi. Ông cho rằng chiến dịch quảng cáo của Fendi không có gì đặc biệt và thậm chí là ý tưởng này đã từng được các thương hiệu thời trang khác sử dụng. Quảng cáo của Fendi quá mức đơn giản chỉ là trình chiếu logo lên các màn hình lớn mà thôi.
Còn với Thom Binding – Trưởng bộ phận chiến lược sáng tạo EMEA của Essence lại tin rằng chiến dịch này là một ví dụ về “tín hiệu đắt giá” từ bộ Fendi C-suite. Ý tưởng có thể là không mới nhưng cách Fendi bao phủ thị trường làm cho thương hiệu này càng trở nên “luxury”, khẳng định vị thế của mình trong làng thời trang.
Dù có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh, song không thể phủ nhận đây chính là “một lần chơi lớn xem thiên hạ có trầm trồ” của nhà mốt Fendi. Không quảng cáo cho bất cứ một bộ sưu tập hay sản phẩm cụ thể nào, chiến dịch lần này chỉ đơn giản là một lần kích hoạt thương hiệu, củng cố lại định vị trên thị trường của Fendi mà thôi.